Mục Lục Nội Dung
Chào anh em, trong những năm trở lại đây thì có lẽ công nghệ thông tin là một trong những ngành học được nhiều bạn trẻ theo học nhất. Mà cụ thể hơn đó là học để trở thành một lập trình viên (dev) – người lập trình phần mềm/ ứng dụng.
Cũng dễ hiểu thôi, vì thực tế đây là một ngành học phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, nhu cầu nhân lực cao lại được báo đài thổi phồng lên nhiều lần nữa.
Nhưng liệu có thật là học lập trình sẽ có được một công việc “trong mơ” với lương ngàn đô hay không? hay là bạn cũng phải làm “bục mặt” như bao ngành nghề khác.
Vâng, ở trong bài viết này mình sẽ cùng các bạn điểm qua những gì mà các bạn sẽ phải “đánh đổi” nếu muốn theo đuổi ngành này và gắn bó lâu dài với nó (cho những bạn đang có ý định làm thuần về kỹ thuật nhé) !
#1. Phải đánh đổi về thời gian !
Thời gian là thứ mà ai cũng như ai, một ngày với 24 tiếng đồng hồ. Từ tổng thống cho đến những người ăn xin ngoài vỉa hè, ai cũng chỉ có nhiêu đó thời gian mà thôi.
Với những người làm về lập trình thì con số này dường như là không đủ, vì ngoài thời gian 8 tiếng một ngày cho công việc ra thì họ còn phải giành khá nhiều thời gian cho rất rất nhiều việc khác nữa.
Có lẽ nhiều người sẽ nói, giờ nhân viên văn phòng ai mà chả làm 8 tiếng một ngày. Còn lại là giành cho gia đình, sinh hoạt, bạn bè và người thân…
Nhưng đó chỉ là góc nhìn trên lăng kính của bạn mà thôi, chứ thực tế đối với một dev, có những khi dự án căng, anh em phải OT (Overtime) đến đêm cho kịp tiến độ.
Chưa kể đặc thù của người làm lập trình nói riêng và những người làm về công nghệ nói chung thì phải luôn trau dồi kiến thức mới liên tục, nếu không sẽ sớm bị đào thải.
Cho nên đôi khi bạn sẽ cảm thấy quỹ thời gian của mình sao mà hạn hẹp thế, nhưng đó là đặc thù của dev rồi. Bạn chỉ có thể khắc phục bằng cách sắp xếp lại công việc sao cho hợp lý nhất mà thôi.
#2. Đánh đổi về các mối quan hệ
Đặc điểm của mấy anh lập trình viên thì chắc anh em cũng không còn lạ gì nữa. Bình thường các ông đã nhát, đã ít giao tiếp rồi, giờ lại vứt vào môi trường suốt ngày ôm cái máy tính nữa thì còn gì để mà nói nữa !
Với nhiều người làm kỹ thuật, đôi khi một không gian như vậy lại rất phù hợp với họ, để họ có thể làm việc được một hiệu quả nhất.
Nhưng suy cho cùng, cuộc sống là những mối quan hệ, nếu bạn chỉ khư khư một mình với chiếc máy tính như thế thì mình nghĩ cũng không phải là cách hay.
Mình có quen nhiều anh trong ngành, năm nay cũng ngót nghét 30 rồi mà suốt ngày chỉ làm với làm. Chẳng biết tiền nhiều để làm gì nữa?
Thực ra thì đây là quan điểm sống cũng như tính cách của mỗi người thôi. Chẳng ai có quyền phán xét nó đúng hay là sai cả.
Nhưng nếu có thể, tại sao chúng ta không chọn cách năng động hơn, thoải mái hơn trong các mối quan hệ thay vì phải đánh đổi nó như vậy? Đúng không nhỉ?
#3. Đánh đổi về kiến thức
Học về lập trình, học về công nghệ thông tin (IT)…. thì kiến thức ngày càng được trau dồi thêm chứ sao lại nói là phải đánh đổi. Bạn đang đặt ra câu hỏi như vậy đúng chứ?
Vâng, hẳn là như vậy rồi ! Nhưng ở đây mình đang muốn đề cập đến các kiến thức xã hội. Mà nói một cách rõ ràng và cụ thể hơn thì là các kiến thức, cũng như các kỹ năng mềm khác ngoài những kiến thức chuyên môn ra.
Câu hỏi là tại sao lại phải đánh đổi?
Như mình đã chia sẻ ở trên, nguyên nhân chính đó là vấn đề về quỹ thời gian bị giới hạn. Bình thường đi làm, việc trau dồi thêm kiến thức chuyên môn đã ngốn hết thời gian của một lập trình viên rồi.
Vậy nên việc giành thời gian để đọc sách hay tham gia một khóa học dường như là rất khó, nếu như bạn không có khả năng sắp xếp thời gian tốt.
Đó là chưa kể thời gian giành cho gia đình và các mối quan hệ khác nữa. Tất cả sẽ là lý do để bạn trì hoãn việc trau dồi các kiến thức khác, ngoài các kiến thức chuyên môn.
#4. Đánh đổi về sức khỏe
Đây có lẽ là một sự “đánh đổi” mà anh em quan tâm nhất. Vậy tại sao mình lại nói làm lập trình lại đánh đổi về sức khỏe.
Nếu xét ở khía cạnh là một nhân viên văn phòng thì cũng như các bộ phận khác thôi. Anh em sẽ có 8 tiếng một ngày cho các công việc chính trên công ty.
Nhưng điểm khác biệt thấy rõ nhất là khi anh em lên các vị trí như Team Lead với trách nhiệm lớn hơn, áp lực công việc sẽ cao hơn rất nhiều.
Đơn cử như việc anh em không những vẫn phải code mà còn phải suốt ngày họp hành với sếp, lại còn phải quản lý các thành viên trong team của mình nữa.
Mà vấn đề liên quan đến kỹ thuật thì chỉ có cách là mấy anh em ngồi lại với nhau, ôm cái máy tính để giải quyết chứ làm sao ra bàn nhậu, ra Hải Xồm mà uống bia được..
Đó là chưa kể việc tiếp xúc quá nhiều với máy tính sẽ cực kỳ không tốt cho đôi mắt và đôi khi gặp những vấn đề khó nhằn còn căng thẳng hơn nữa. Đầu óc của bạn nhiều khi muốn nổ tung luôn !
Chính vì vậy, nhiều anh mình quen trong quá trình đi làm thường có xu hướng phấn đấu đi làm được khoảng 3-4 năm thì sẽ không code nữa.
Hoặc là tìm các hướng đi khác, hoặc là phấn đấu lên các vị trí cao hơn để giảm thời gian ngồi code và tiếp xúc với máy tính lại.
#5. Lời Kết
Thực ra thì ngành nghề nào cũng có những đặc thù riêng, cũng có những khó khăn riêng… và việc lựa chọn thì vẫn là ở bạn.
Làm lập trình hay học công nghệ thông tin không đơn giản như mọi người nghĩ. Nó cũng có những áp lực và có những đánh đổi riêng.
Đôi khi bạn phải là một người thực sự yêu và đam mê với công nghệ thì mới theo được ngành này, còn không được một vài năm bạn sẽ thấy chán ngay.
Nhưng dù sao đi nữa, mọi sự hi sinh đều sẽ được đền đáp xứng đáng mà. Bởi lương khởi điểm ngành IT lúc nào cũng được đánh giá nhỉnh hơn nhiều so với các ngành khác.
Vậy nên, nếu có đam mê thì bạn cứ học đi, đánh đổi là bắt buộc – nhưng bạn sẽ nhận lại được kết quả tương xứng với năng lực và công sức mà bạn bỏ ra.
Xin chào và hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo nha ◉◡◉
Đọc thêm:
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com
Note: Bài viết này hữu ích với bạn chứ? Đừng quên đánh giá bài viết, like và chia sẻ cho bạn bè và người thân của bạn nhé !
Xem Them Chi Tiet
Nhung Mon Do Cong Nghe Duoc Yeu Thich
Do Cong Nghe Phu Kien
0 nhận xét:
Đăng nhận xét